Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

CÒN KỲ VỌNG LÀ CÒN KHỔ ĐAU.

 

Tất cả những người từng ngồi đối diện với tôi trong những câu chuyện đẫm nước mắt của họ, đều có một điểm chung: Họ luôn đau khổ vì ai đó, mối quan hệ nào đó. 

Kỳ lạ. Hầu như không thấy ai đau khổ vì chính mình. 

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những người khuyết tật có gương mặt tươi sáng, trong khi kẻ lành lặn đủ đầy thì cứ oằn oại trong tủi, sợ, lo, buồn, ghét, tức… Họ dường như không bao giờ thiếu “vốn” để phun ra các cảm xúc tiêu cực. 

Tại buổi trò chuyện tỉnh thức hồi đầu năm, một cô gái đến từ Sài Gòn khóc nghẹn khi nói về người chồng của cô. Dường như đó là tất cả nguồn cơn khiến cho cô cảm thấy bất hạnh. Tôi nói với cô rằng điều mà tôi quan tâm là em như thế nào chứ không phải chồng em như thế nào. Chúng ta không thể và không bao giờ bắt ai khác phải sống cho vừa ý mình. Mỗi người đều có lựa chọn riêng về thái độ sống, và vai diễn của họ là hoàn hảo cho họ ở vị trí họ đang đứng. Nếu cô gái chấm dứt tất cả mọi kỳ vọng về chồng, thì nỗi khổ tâm của cô cũng chấm dứt luôn. 

Mọi vấn đề đều không thành vấn đề, ngoại trừ vấn đề nội tại. Nhiều người cứ để cho bên ngoài chọc ngoáy, tác động, điều khiển, khiến mọi cảm xúc vui hay buồn, yêu hay ghét, lo lắng hay yên tâm đều do kẻ khác quyết định. Thế thì người đó chỉ là một con rối điên giữa cuộc đời! Rất nhiều người cứ sống theo kiểu mà hạnh phúc hay khổ đau của họ đều phải dựa vào chồng, vợ, con cái, cha mẹ, cơ quan, thậm chí là chính phủ! 

Trái Đất là nơi mà có đến tám chục phần trăm là hình tư tưởng tiêu cực, đen tối. Vậy nên vốn liếng khổ đau “ngoại nhập” rất là dồi dào nếu bạn chọn để cho chúng tràn vào xâm chiếm mình. Một kẻ yếu đuối về tinh thần cũng như yếu đuối về thể chất. Họ rất dễ bị nhiễm bệnh. 

Khi xưa Đức Phật đã dạy rằng hãy để mọi thứ như nó đang là. Cái này rất dễ hiểu và rất dễ ứng dụng với những ai tỉnh thức hoặc đang hướng đến tỉnh thức. Ở Việt Nam, tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần có cuốn sách Cái Dũng Của Thánh Nhân. Trong đó nói rằng sự điềm đạm, bình thản trước mọi cảnh mới là bản lĩnh cao nhất của một con người. 

Và hầu như bậc trí tuệ nào cũng trở nên điềm đạm. Đức Phật sẽ thản nhiên trước thiên thần cũng như quỷ sứ. Một đạo sĩ Ấn Độ, khi bị Alexander Đại Đế đe dọa bằng thanh kiếm để ép đi cùng về Hy Lạp, đã bảo vị vua khét tiếng này là hãy để đồ chơi trẻ con kia xuống mà nói chuyện. Hầu như ai cũng quỳ mọp dưới thanh kiếm của Alexander, nhưng đạo sĩ này thì rất hiên ngang. Cuối cùng Đại Đế thở dài mà nói: “Ta không thể giết một người mà đã hoàn toàn không sợ chết”. 

Thánh nhân thản nhiên ngay cả trước những thứ mà phàm nhân sợ hãi nhất. Nếu chịu khó học hỏi ở họ, chúng ta sẽ thấy mọi thứ đều rất vặt vãnh. Chúng chỉ là do tâm trí nghiêm trọng hóa lên mà thôi. 

Cái ngày mà bạn trở về với bình an, đó là khi đã dẹp hết tất cả mọi kỳ vọng từ bên ngoài, kể cả đối với những người thân thiết nhất. Ai sao cứ để họ là như thế. Không ai có nghĩa vụ phải tốt với bạn. Mọi thứ đều vô thường nên dựa ra bên ngoài thì bấp bênh lắm. 

Mình đã có một đề tài nói chuyện mang tên “Trụ vững nơi chính mình”. Ở nơi trung tâm của chính mình, bất cứ ai cũng có một miền bình an và thông tuệ tuyệt đối. Thiền nhân sẽ luyện cho các mảng bám rã ra, rụng đi, để ngày càng trở về với sự tinh tuyền bản thể. Nó là hiệu ứng của thuật giả kim. 

Quay về với chính mình, sẵn sàng cho một ngày tâm thức nở hoa. Thế còn hơn là chờ đợi cho vợ/chồng tốt lên, con cái thành đạt như ý, cha mẹ luôn mạnh khỏe, nền kinh tế hồi phục, chính quyền trở nên liêm chính, chế độ cộng sản sụ p đổ, vô thần ngoại đạo đều tin và thờ phượng chúa... vân vân và vân vân!

Nguồn ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ABRAHAM - TỔ PHỤ CỦA CÁC ĐẠO THỜ THIÊN CHÚA- KHÔNG PHẢI NHÂN VẬT CÓ THẬT.

  Rất khó có khả năng Abraham là người có thật vì một số lý do. Ví dụ: chúng ta biết các sự kiện được mô tả trong câu chuyện Sáng thế ký của...